Mưa lầm rầm suốt hai tiếng đồng hồ. Mưa không quá to, chỉ vừa ướt áo, nhưng đủ để ướt lạnh tâm hồn. Mưa thường gợi nhắc cho chúng ta những h...
Mưa lầm rầm suốt hai tiếng đồng hồ. Mưa không quá to, chỉ vừa ướt áo, nhưng đủ để ướt lạnh tâm hồn. Mưa thường gợi nhắc cho chúng ta những hoài niệm quá khứ, những kí ức xa xăm. Mưa cho vài người sự nghỉ ngơi sau những công việc bề bộn. Mưa khiến ai đó mông lung với những tưởng tượng về tương lai. Mưa cũng có thể khiến ai đó đang vui bật khóc...
Ngày em mất trời cũng mưa như thế này. Đó là một chiều cuối thu, gió se se lạnh thổi dìu dịu trên những ngọn cỏ xác xơ héo úa. Mẹ khóc cả ngày, bố phờ phạc vì hai đêm liền không chợp mắt...
Ngày em mất trời cũng mưa như thế này. Đó là một chiều cuối thu, gió se se lạnh thổi dìu dịu trên những ngọn cỏ xác xơ héo úa. Mẹ khóc cả ngày, bố phờ phạc vì hai đêm liền không chợp mắt...
Có lẽ ngày em mất như đã được dự báo từ trước rất lâu. Cuộc đời em chưa từng có một ngày được thực sự sung sướng. Bởi những căn bệnh cứ giày vò cả ngày lẫn đêm, cả mùa mưa lẫn mùa nắng. Em chỉ biết cười, khóc và la hét trong mười lăm năm ấy. Chẳng biết em có ý thức để nhận biết được hoàn cảnh, sự đau đớn của mình không, vì dù có đi chăng nữa em cũng chẳng thể nói ra, mà cũng chẳng kịp nói ra nữa rồi. Sự ra đi của em là một nỗi đau, nhưng có lẽ cũng là hạnh phúc, là sự giải thoát cho em.
Những năm tháng tuổi thơ chúng tôi bên nhau thật buồn, nhưng vô tư làm sao. Có những hôm trời mưa to, rất to, bố mẹ đi làm chưa về tôi ôm em ngồi khóc. Đó là tiếng khóc của sự sợ hãi. Cũng có hôm tôi khóc vì chợt nhớ ra rằng những lần mình khóc xong thấy rất dễ chịu. Tôi khóc vì sẽ chả có ai biết mình khóc, chả có ai quan tâm mình đang khóc, dù có thỏa sức gào thét hết cỡ. Trời mưa rất to, gió thổi rất mạnh, ngôi nhà đang che chở cho hai anh em tôi chông chênh trước mưa gió. Mưa tạnh, tôi lại chạy ra nghịch như chẳng có chuyện gì xảy ra, dù chỉ một mình nhưng có biết bao trò vui với nước, với đất, với bùn... Cũng có hôm đang mưa tôi chạy ra đùa nghịch, nhưng vì lạnh, vì nhớ lời mẹ dặn sẽ bị ốm, bị ông thiên lôi đánh chừa lại chạy vào ngay. Còn em thì thế nào cũng phải ở trong nhà và ngồi yên một chỗ.
Có một thời gian bà nội từ ngoài quê Bắc vào trông nom anh em tôi để bố mẹ tiện đi làm ăn xa. Bà hồi ấy ngoài bảy mươi tuổi rồi, ở cái tuổi ấy chắc chắn bà chả còn khỏe khoắn gì, đáng lẽ ra phải được nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già. Nhưng vì thương thằng con út nghèo khó đi lập nghiệp ở xa, thương cháu còn thơ dại nên bà lại phải khó nhọc một phen. Bà bây giờ già lắm, chân vẫn đi được nhưng đầu óc đã trở nên lú lẫn, tai chẳng thể nghe được lời thì thầm. Người ta vẫn hay lấy sự lú lẫn, sự nặng tai ấy của bà để cạnh khóe, để gây tiếng cười cho nhau. Chắc bà không nghe thấy, dù có nghe thấy thì cũng chẳng thể nói được gì, mà có nói cũng chẳng lại. Giá như còn ông thì bà đã chẳng phải thui thủi một mình. Ông đã mất dăm bảy năm nay. Nghe đâu người ta xây mộ ông to lắm, ngày ngày khói hương nghi ngút để mong ông phù hộ cho họ ăn lên làm ra, mở mày mở mặt với thiên hạ. Lời của thầy bói, của ông cốt bà đồng đối với họ đáng sợ và đáng nghe hơn tất cả, còn lời thiên hạ và lời lương tâm chẳng qua cũng chỉ là lời đàm tiếu vô căn cứ, lời hèn mọn, nhu nhược mà thôi.
Cái nhà người ta cho bà ở thất lè tè, chỉ một cơn gió miên man cũng khiến nó rúm ró lại, còn tệ hơn nhiều so với cái cái chòi ở rẫy bố mẹ tôi cất lên cả chục năm trước, giữa hai ngôi nhà lầu to nhất nhì xóm. Nghĩ cũng thật buồn cười, với năm bảy người con hầu hết khá giả, đôi chục đứa cháu đã thành gia thất mà không cất nổi cho bà một ngôi nhà cẩn thận, để bà an dưỡng tuổi già. Hơn tám mươi năm cuộc đời dài dằng dặc biết bao khổ sở vì con vì cháu, thế mà bây giờ họ cứ hắt hủi bà, coi bà như đống nợ. Tới tuổi này rồi bà có cần tiền, cần vàng của bọn họ đâu mà họ sợ bà đến thế.Niềm an ủi duy nhất của bà là được xum vầy cùng con cháu, thế mà họ lại chỉ muốn tránh xa bà. Họ có bao giờ nhìn vào mắt bà không nhỉ? Đôi mắt ấy đã mờ, đã xác xơ vì tuổi, lúc nào cũng đăm đăm những nỗi niềm khó tả và đầy sự trống trải, cô đơn.
Ngoài đấy mùa này nóng lắm, tôi vẫn thường nghe bố mẹ nói vậy. Chẳng biết giờ này bà đang làm gì nhỉ? Mười sáu năm xa cách, tôi chẳng còn nhớ mấy điều về nơi mình chôn nhau cắt rốn ấy nữa. Mười sáu năm tôi chỉ về quê có một lần. Không thể về cũng có, không muốn về cũng có, không dám về cũng có. Trong một giấc mơ nào đó, tôi thấy mình lon ton chạy trên đê, một bên là sông, một bên là đồng lúa. Chắc lúc đó tôi đang tìm mẹ.
Khi tôi năm tuổi, gia đình đi kinh tế mới trong Gia Lai. Từng ấy năm đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và máu để gây dựng cuộc sống mới. Nhưng khi cây sắp tới ngày hái thu quả, tôi sợ mọi thứ sẽ tan tành, không phải bất ngờ, mà đã âm ỉ từ lâu lắm. Hai đứa em mới được sinh ra còn nhỏ dại quá, chẳng khác gì tôi lúc mới vào đây, chúng sẽ ra sao nếu chỉ có bố hoặc mẹ ở bên cạnh. Sao người lớn cứ hay cho mình quyền chà đạp, tước đoạt tuổi thơ của những đứa trẻ vô tội, hết sức trong sáng, ngây thơ ấy. Khi trưởng thành, chúng sẽ vừa muốn đi tìm tuổi thơ, vừa sợ phải đối diện với tuổi thơ. Đi tìm bởi chúng không muốn thiếu mất một quãng thời gian người đời vẫn thường bảo rằng đẹp nhất. Sợ bởi có thể nơi đó đầy rẫy nỗi đau, đầy rẫy ám ảnh, khôn nguôi...
Mưa đã tạnh được một lúc, nhưng trời vẫn còn mờ mịt quá. Người ta cứ bảo sau cơn mưa trời lại sáng, nhưng đầy đủ ra phải là “sau cơn mưa to trời lại sáng”. Vài chàng thi sĩ ve sầu lại bắt đầu cất tiếng ca. Tôi rất thích nghe tiếng ve. Mỗi lần nghe cứ thấy lòng chộn rộn. Hai năm rồi, mùa hè tôi phải ở lại thành phố. Hai năm trong tôi không có mùa hè. Có lúc thẩn thơ dưới ánh đèn rực rỡ cứ ngỡ mình bị đánh cắp hết nỗi buồn, niềm vui, chỉ còn lại sự vô cảm, chai lì. Giờ được đi trên những con đường đất đỏ, đôi chân cứ thấy ngường ngượng làm sao. Mới đi được vài bước, đất ba zan dính bết đầy dép, tôi chẳng buồn đi nữa.
Rừng cao su trước cửa hình như chẳng thay đổi gì nhiều. Tôi nhớ những mùa cao su thay lá, cây trơ trụi như chưa từng có lá, chưa từng có sự sống. Gió lúc này khô và lạnh, thổi những chiếc lá vàng khô bay xào xạc. Thời gian như ngừng lại, những chiếc lá cuối cùng trên ngọn cao su thả mình để mặc gió cuốn đi vô định. Hình như có một lần nào đó tôi ngỡ mình là một chiếc lá.
Trời he hé một chút, rồi bất chợt từ đâu mây đen kéo đến đen kịt, gió rít lên từng hồi, cây cối xiêu vẹo theo từng đợt gió, những hạt nước to bằng ngón tay út rơi lộp bộp trên mặt đất, mỗi lúc một dày hơn...
No comments:
Post a Comment